Trong hoàn cảnh các “ông trùm” về cây đàn hương như Úc và Ấn Độ sẵn sàng cung cấp hàng tấn tinh dầu nguyên chất mỗi năm, đồng thời không ngừng mở rộng diện tích để trồng thêm hàng triệu cây giống mới thì ở Việt Nam, việc bắt tay vào trồng cây đàn hương có phải là quá trễ?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể bắt đầu từ hai câu hỏi cơ bản: Vì sao thị trường thế giới lại “khát” đàn hương? Niềm tin nào để nông dân Việt Nam tiếp nhận cây đàn hương vào năm tới?
Đàn hương – cơn “khát” của thị trường thế giới
Nhu cầu dùng đàn hương làm nước hoa
Lướt qua danh sách 10 loại nước hoa cao cấp “không bao giờ lỗi mốt” của thế giới, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy đàn hương chính là thành phần nổi trội với tỉ lệ có mặt lên đến 8/10 dòng sản phẩm.
Có thể nói, chính khả năng lưu hương và mùi gỗ tròn trịa, mịn màng đã giúp gỗ đàn hương “ghi điểm” với các nhà sáng chế (và sau đó là người thưởng thức). Nếu chỉ tính riêng dòng nước hoa “huyền thoại” Chanel No. 5, mỗi phút lại có ít nhất một chai được bán ra thị trường.
Mặt khác, sự phát triển của công nghệ sản xuất mùi hương nhân tạo đã cho phép con người mô phỏng lại các mùi hương tự nhiên. Thế nhưng, như chính các nhà sáng chế nước hoa đã tuyên ngôn: mùi hương tự nhiên là một tổng thể đầy phức tạp và tế vi mà không có một hình thức bắt chước nào có thể thay thế được.
Ở khía cạnh khác, với giá trị dược liệu và giá trị mùi hương, tinh dầu đàn hương hứa hẹn sẽ là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho các nhà sáng chế nước hoa khi họ có vô vàn cách kết hợp khác nhau từ 12 lớp hương (cho từng công thức).

Hiện tại, giá của tinh dầu đàn hương đã cao đến mức người ta ví nó như vàng ròng: 4000 USD/ lít.
Nhu cầu dùng cây đàn hương làm thuốc
Lõi gỗ, lá và tinh dầu đàn hương đã được sử dụng từ rất sớm trong y học cổ truyền Trung Quốc, Ấn Độ và gần hơn là ở Việt Nam.
Theo đó, nước sắc từ lõi đàn hương (4 – 12 g mỗi ngày) có tác dụng điều trị nhiều bệnh như: thổ huyết, đau nhức xương, ho đờm kinh niên, tiểu buốt do viêm đường tiết niệu, phong thấp, đau bụng vùng dạ dày và bụng dưới…
Theo y học cổ truyền phương Đông, lá đàn hương còn được dùng trong điều trị ho đờm, cảm cúm và phòng chống viêm não (nấu 40 g lá tươi để xông hơi rồi uống thêm một chén nước lá, sau đó đắp chăn để ra mồ hôi).
Hiện nay, lá đàn hương và búp đàn hương đã được sản xuất thành các dòng trà cao cấp, đặc biệt là trà đàn hương Chandana (được sản xuất từ 100 % búp/lá đàn hương sạch, tự nhiên, không đắng và thơm). Trong trà đàn hương Chandana, nhiều hoạt chất quý cũng đã được tìm thấy như:
– Catechin (giúp ngăn ngừa tiểu đường và điều hòa lipid máu).
– Y – aminobutyric axit (giúp hạ huyết áp, cải thiện trí nhớ, làm dịu thần kinh và cải thiện chất lượng giấc ngủ).
– Vitexin & Isovitexin (chống sự hình thành khối u ung thư và các bệnh về tim mạch).

Mặt khác, khi nhiều công trình nghiên cứu lần lượt công bố các hoạt chất có trong gỗ đàn hương thì cũng là lúc người ta bắt đầu thốt lên đầy kinh ngạc: đàn hương chính là nguồn dược liệu tuyệt vời với tiềm năng điều trị viêm nhiễm, vẩy nến, mụn rộp, mụn trứng cá, máu nhiễm mỡ, cúm A – H3N2… và hơn 10 dòng ung thư khác nhau (như ung thư da, ung thư bàng quang, ung thư vú…).
Trong tương lai, các bộ phận của cây đàn hương vẫn sẽ là “những mảnh đất màu mỡ” cho các nhà nghiên cứu và thực hành y học.
Nhu cầu dùng cây Đàn hương làm mỹ phẩm
Có thể thấy, các sản phẩm thẩm mỹ từ Đàn hương đã và đang ra mắt cộng đồng quốc tế bằng nhiều sự kết hợp mới. Từ nguyên liệu làm đẹp mang tính truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, tinh dầu đàn hương và bột gỗ đàn hương đã trở thành những dòng mỹ phẩm cao cấp điều trị mụn, nám, làm sạch da… với hiệu quả tuyệt vời.
Đến đây, có thể mạnh dạn nói rằng, ngày nào nhân loại còn khát khao hướng tới cái đẹp (bên cạnh cái “Chân”, cái “Thiện”) thì ngày đó, nhu cầu làm đẹp vẫn là thiết yếu và tất nhiên, đàn hương sẽ là một trong những lựa chọn sáng giá.
Và còn nhiều ứng dụng khác của đàn hương trong văn hóa, thực phẩm, điêu khắc, tâm linh… để minh chứng cho giá trị của nó.
Thế nhưng, nỗi ám ảnh về bài ca “chặt – trồng”, “trồng – chặt” đã diễn ra đầy bi hài trong lịch sử nông nghiệp nước ta lại đặt ra một câu hỏi mới.
Niềm tin nào để nông dân Việt Nam mạnh dạn tiếp nhận cây đàn hương.
Việt Nam có khí hậu lý tưởng để trồng đàn hương
Qua khảo nghiệm thực tế, các chuyên gia Ấn Độ đã khẳng định tiềm năng trồng cây đàn hương trên đất Việt Nam – nơi có nhiều vùng đất đai, khí hậu tốt hơn cả Ấn Độ (“cái nôi” của cây đàn hương).
Thế nhưng, một minh chứng sống động và thực tế hơn chính là những cây đàn hương đầu tiên đã hình thành lõi trên mảnh đất Tây Nguyên (của anh Nguyễn Quang Tòa) và cả những cây đàn hương đang sinh trưởng tươi tốt từng ngày trên những vùng đất khác (hiển nhiên vẫn có những mô hình không thành công vì nhiều yếu tố).
Cây đàn hương giữa thị trường năng động
Trong hơn 10 năm nữa, những cây đàn hương đầu tiên ở Việt Nam sẽ được thu hoạch và không ai biết thị trường lúc ấy sẽ biến động thế nào. Và cũng như thế, không ai biết được sau 10 năm nữa, các ứng dụng của cây đàn hương đã được nghiên cứu đến mức nào.
Tuy nhiên, hôm nay, khi chúng ta bắt đầu trồng cây đàn hương thì ngoài kia, thế giới cũng đang trồng đàn hương. Trong thế giới đó, các nhà nghiên cứu và sáng chế vẫn đang khám phá không ngừng những giá trị từ cái cây có lõi thơm dịu dàng và đầy nữ tính. Nỗi sợ sẽ phá bỏ đàn hương – nó chỉ thành sự thật khi cây đàn hương không cho ra lá nữa và lõi đàn hương không còn cho tinh dầu nữa!
Cây đàn hương và bài toán sinh kế
Không khó để nhận thấy rằng, đàn hương là cây trồng quan trọng nhưng không phải là đối tượng sinh kế duy nhất. Với đặc trưng bán ký sinh của nó, nông dân có thể tận dụng để trồng thêm các cây ăn quả khác nhằm tạo ra thu nhập hàng ngày. Mặt khác, chỉ sau một năm trồng đàn hương, người nông dân đã có thể tận dụng lá cây để làm trà và những năm sau đó là cả lá và hạt.
Hiển nhiên, những đắn đo về kinh phí đầu tư cho đàn hương là điều đúng đắn với những ai muốn trồng trên diện rộng.
Và ở đây, phong trào trồng cây đàn hương vì tương lai không có nghĩa là mỗi nhà trồng một ngàn cây mà là một ngàn nhà, mỗi nhà trồng một cây hoặc trồng trong khả năng có thể của mình, để bảo vệ và chăm sóc cây đàn hương một cách chu đáo nhất.
Cây đàn hương và sự thân thiện với hệ sinh thái
Vào nửa cuối của thế kỷ XX, nước ta đã từng di thực cây bạch đàn về, trồng ồ ạt để rồi nhận ra nó không khải là cây thân thiện với hệ sinh thái: chỗ nào có rễ bạch đàn thì chỗ đó đất đai khô cằn, cỏ cây cơ hồ không mọc được. Và hôm nay, khi đón nhận cây đàn hương, chúng ta có quyền phân tích khả năng chan hòa của nó với cỏ cây và động vật xung quanh.

Thật may là, cây đàn hương chỉ dùng rễ bám vào rễ cây ký chủ để hút một số nguyên tố vi lượng (mà nó không tự tổng hợp được). Và như thế, nó không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cây ký chủ. Với động vật, cây đàn hương cũng hoàn toàn thân thiện (nếu không nói mùi hương và sự mềm mại của lá đàn hương còn hấp dẫn nhiều loài).
Cây đàn hương và hành trình thu hoạch
Có thể nói, nguồn lợi mong chờ nhất từ cây đàn hương chính là lõi gỗ thu được sau 10 – 15 năm gieo trồng (với khoảng 500 ml tinh dầu).
Thế nhưng, điều trăn trở ở đây là, làm sao để tỷ lệ thất thoát được giảm xuống mức thấp nhất khi nhiều nông dân còn chưa rõ những đặc tính sinh trưởng và quy trình chăm sóc cây lấy gỗ; khi cây đàn hương còn phải đối mặt với sâu bệnh và thiên tai. Ngoài ra, việc sử dụng các chế phẩm hóa học trong quá trình trồng cây đàn hương cũng cần được thận trọng (để không ảnh hưởng đến chất lượng hương liệu và dược liệu).
Và hơn hết, trong mười năm – một khoảng thời gian vừa đủ để nông dân Việt Nam cùng đoàn kết nhằm tạo ra một thị trường đàn hương trong sạch, vững mạnh và chất lượng, ai sẽ là người kiên trì đến cùng? Và đấu tranh đến cùng!