GIÁ TRỊ DƯỢC LIỆU CỦA ĐÀN HƯƠNG

Cây đàn hương trắng chưa đạt chuẩn

Thông thường, sau khoảng 5 năm gieo trồng, cây đàn hương sẽ hình thành lõi. Phần lõi này được dùng để chiết xuất tinh dầu, làm các sản phẩm văn hóa, tâm linh hoặc dùng làm thuốc… Giá trị đàn hương là rất lớn và còn phát triển hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.

Tư liệu y học cổ truyền phương Đông ghi nhận đàn hương là một vị thuốc quý, có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác (như nhân sâm, trầm hương, xạ hương, trân châu…); qua các phương thức điều chế đa dạng như: thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên, thuốc rượu, thuốc ngoài da…

Công dụng y học của đàn hương
Đàn hương có nhiều giá trị trong y học

Các bài thuốc sắc, thuốc ngoài da dùng độc vị đàn hương

Thuốc sắc

Lõi gỗ đàn hương thái lát mỏng, sắc lấy nước uống có tác dụng:

– Điều trị đau bụng (vùng dạ dày và bụng dưới).

– Điều trị phong thấp, đau nhức xương.

– Điều trị tiểu buốt (do viêm đường tiết niệu).

– Điều trị động kinh.

– Điều trị thổ huyết và ho đờm lâu ngày không khỏi.

Liều lượng: mỗi ngày sắc uống từ 4 – 12 g lõi gỗ (tùy theo tình trạng bệnh).

Thuốc dùng ngoài da

Lõi đàn hương có thể dùng ngoài da trong các trường hợp như:

– Điều trị sốt, đau đầu, bệnh ngoài da:

Lấy lõi đàn hương tán thành bột, đổ thêm một ít nước (sao cho vừa đủ sệt) rồi đắp lên trán (hoặc vùng da bị sưng tấy).

– Điều trị viêm da, lở đầu ở trẻ em:

Lấy lõi đàn hương thái lát rồi sắc lấy nước để rửa ngoài (hoặc gội đầu).

Gỗ đàn hương chữa bệnh ngoài da
Gỗ đàn hương chữa bệnh ngoài da

Các bài thuốc rượu, thuốc viên, thuốc bột có thành phần đàn hương

Bên cạnh cách dùng độc vị, đàn hương còn được dùng trong nhiều bài thuốc kết hợp khác (từ thang 3 vị đến những thang gần 30 vị). Có thể kể ra một số trường hợp điển hình như:

Bài thuốc “Rượu thủ ô địa hoàng”

Thành phần: lõi đàn hương (9 g), thục địa (240 g), ý dĩ nhân (120 g), câu kỷ tử (120 g), đương quy (90 g), nhục quế (90 g), hà thủ ô (120 g), rượu trắng (10 kg rượu).

Cách điều chế: tán vụn các vị thuốc trên rồi cho vào túi vải sạch, buộc kín lại. Sau đó, để cả túi vải vào keo và đổ rượu trắng vào, đậy kín rồi ngâm trong chỗ mát. Sau 14 ngày, đổ bỏ bã và lấy nước uống hàng ngày. Lưu ý, trong quá trình ngâm rượu nên thường xuyên lúc lắc cho rượu ngấm đều với thuốc.

Công dụng: giúp dưỡng tim, dưỡng tỳ (lá lách), ích tinh huyết, điều trị đau vùng eo, mất ngủ, ù tai, đầu óc choáng váng, trong lòng hay hốt hoảng bất an và chán ăn uống.

Liều lượng: mỗi ngày uống khoảng 5 g rượu thuốc vào buổi tối (trước khi ngủ), lưu ý không uống quá liều và những người bị bệnh về gan không nên dùng bài thuốc này.

Bài thuốc “Đinh quế hương tán”

Thành phần: lõi đàn hương (0, 5 g), đinh hương (1,5 g), nhục quế (1 g).

Cách điều chế: lấy các vị thuốc trên tán thành bột và chia thành hai lần uống trong ngày.

Công dụng: điều trị các chứng đau ngực gây khó chịu, mặt và môi tím tái. Bệnh nhân bị dương hư hàn trệ, chân tay mát, gặp lạnh thì phát cơn, sợ lạnh.

Bài thuốc “Thời dịch chỉ tả đơn hoàn”

Thành phần: lõi đàn hương, trầm hương, xạ hương, mộc hương, đinh hương, hùng hoàng (mỗi vị 10g), băng phiến (1g), cam thảo (16g), chu sa (42g), đại kích (46g), ngũ bội tử (60g), sơn từ cô (46g), thần khúc (150g), thiên kim tử sương (30g).

Cách điều chế: lấy các vị thuốc trên tán bột, vo thành viên nhỏ rồi dùng vị thuốc Chu sa để bọc lớp ngoài.

Công dụng: điều trị cảm hàn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng vào mùa hạ.

Liều lượng: mỗi ngày uống 16g thuốc với nước sắc Sinh khương (gừng).

Y học coi lõi gỗ đàn hương như một phương thuốc quý
Y học coi lõi gỗ đàn hương như một phương thuốc quý

Tinh dầu đàn hương và tiềm năng điều trị bệnh

Y học cổ truyền Ayuverda Ấn Độ đã ghi nhận tinh dầu đàn hương như một loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần, đồng thời cũng là liệu pháp mùi hương giúp điều hòa giấc ngủ. Không chỉ thế, các kết quả nghiên cứu hiện đại còn cho thấy tiềm năng làm thuốc rất đa dạng của tinh dầu đàn hương, đặc biệt là khả năng làm thuốc hóa trị cho các bệnh ung thư.

Cụ thể, tinh dầu đàn hương có các hoạt chất giúp an thần, làm hưng phấn sinh lý, chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa, điều trị vẩy nến, mụn trứng cá, mụn rộp Herpes, giúp hạ đường huyết và hạ mỡ máu…

Bên cạnh đó, chiết xuất tinh dầu đàn hương còn có khả năng tiêu diệt nhiều dòng tế bào ung thư khác nhau như: ung thư da (do tia UVB), ung thư biểu mô tế bào, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư bạch cầu, ung thư biểu mô vảy ở đầu và cổ, ung thư bàng quang, ung thư biểu mô phổi…

Tinh dầu đàn hương
Tinh dầu đàn hương

Giá trị đàn hương: Lá – nguồn trà cao cấp có tác dụng trị liệu

Ngoài lõi gỗ và tinh dầu thì cây đàn hương còn cung cấp một lượng lá lớn có thể làm trà trị liệu (thường là trà 1 tôm 2 lá). Đây là loại trà dễ uống vì không có vị đắng, hơn nữa lại an toàn và có hương thơm tự nhiên. Điều đáng lưu ý là trong trà lá đàn hương, người ta đã tìm ra các hoạt chất quý (như Catechin, Y – aminobutyric axit, Vitexin & Isovitexin… ) có tác dụng an thần, cải thiện trí nhớ, hạ huyết áp, ngăn ngừa tiểu đường, máu nhiễm mỡ, tim mạch và ung thư.

Nói tóm lại, tiềm năng làm thuốc của đàn hương là rất lớn. Tuy nhiên, với tinh dầu đàn hương, không nên lạm dụng để tránh các tác dụng phụ.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người âm hư hỏa vượng cũng không nên dùng đàn hương.

Trà đàn hương xoa dịu stress
Trà đàn hương xoa dịu stress

Tìm hiểu thêm về các sản phẩm giá trị từ cây đàn hương tại đây.