HÀNH TRÌNH ĐƯA ĐÀN HƯƠNG VỀ VIỆT NAM
“Làm hiệu trưởng thì nhiều người có thể làm được, nhưng đem về một giống cây quý cho bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững thì không phải ai cũng đủ tâm huyết. Đã bao nhiêu năm rồi nền lâm nghiệp nước nhà chưa tạo ra được một loại cây gì có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định và có thể phát triển trên diện rộng cho người nông dân bớt khổ. Với động lực đó, mình đam mê và trăn trở với cây đàn hương, quyết đưa về trồng khảo nghiệm và phát triển tại việt Nam” – đây chính là chia sẻ của TS. Vũ Thoại, người dũng cảm rời bỏ vị trí Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội để gắn bó với cây đàn hương.
Cách đây 5 năm, đàn hương có lẽ là cái tên còn xa lạ với hầu hết người Việt Nam, bởi hành trình để đưa giống cây là “quốc bảo” của Ấn Độ về nước ta gặp vô vàn khó khăn.
“Vương mộc” đàn hương vốn là loại cây rất khó nhân giống, ngay tại ở chính quê hương Ấn Độ của mình, tỷ lệ hạt giống nảy mầm tự nhiên chỉ vào khoảng 2-3%. Vì vậy, dù bắt đầu nghiên cứu từ năm 2006 nhưng tới tận năm 2014, TS. Vũ Thoại và đồng nghiệp mới tìm ra được phương pháp kích thích hạt cây đàn hương nảy mầm tự nhiên, tạo ra giống cây đạt tiêu chuẩn hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ tại Việt Nam. Trong thời gian đó, ngoài việc nghiên cứu phương pháp khiến hạt giống nảy mầm, TS. Vũ Thoại còn phải cùng các chuyên gia Ấn Độ khi khảo nghiệm đất, khí hậu của từng vùng miền trên cả nước để tìm ra những nơi thích hợp để trồng giống cây Vương Mộc này.
Những tưởng mọi khó khăn chỉ dừng lại ở đó, vấn đề làm sao để thuyết phục người nông dân tin tưởng và trồng cây đàn hương, một giống cây hoàn toàn mới tại Việt Nam, lại là bài toàn khiến các thành viên phải đau đáu tìm ra lời giải. Thời gian đầu, để người dân mạnh dạn trồng cây, Viện nghiên cứu đã cung cấp giống cây trồng, chuyển giao kĩ thuật chăm sóc cho người nông dân cùng cam kết sẽ thu mua nguyên liệu từ cây đàn hương để chế biến sản phẩm, nhưng thực tế, khi cây đàn hương vừa mới tới độ tuổi mới thu hoạch được lá và quả thì người nông dân lại bán cả cây đó cho thương lái Trung Quốc trước khi thu hoạch được phần lõi gỗ quý giá nhất của cây. Vậy là việc tiếp tục thuyết phục người dân trồng cây theo hướng đó không lâu dài và ổn định, rồi không lâu sau chúng ta lại chứng kiến những sự việc “giải cứu đàn hương”, người nông dân khóc ròng như biết bao những sản phẩm nông nghiệp khác khi thị trường bị phụ thuộc vào nước láng giềng. Điều này buộc TS.Vũ Thoại và đồng nghiệp của mình phải nghĩ đến một bức tranh toàn cảnh hơn để phát triển “vương mộc” tại Việt Nam.
Cũng bởi lý do đó, Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam được thành lập và trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm thiên nhiên tốt cho sức khỏe, làm đẹp được chiết xuất từ các bộ phận của cây đàn hương Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, việc chúng ta tự tạo ra thị trường sẽ giúp cho đầu ra cho nguyên liệu của người nông dân ổn định, từ đó, giúp họ khai thác một cách tối đa những giá trị vô cùng lớn mà “vương mộc đàn hương” có thể đem lại.
Nhờ những nỗ lực của TS. Vũ Thoại, Viện nghiên cứu phát triển Cây đàn hương và thực vật quý hiếm, tính đến tháng 8/2019, “Vương mộc đàn hương” đã có mặt tại 43 tỉnh thành trên dải đất hình chữ S. Với những giá trị tuyệt vời mà loại cây này đem đến cho cuộc sống của con người, chúng tôi tin tưởng về một hệ sinh thái xanh bền vững, một TƯƠNG LAI XANH – HẠNH PHÚC AN LÀNH đang được dựng xây và kiến tạo cho người dân Việt.